Các chức danh trong công ty cổ phần

Các chức danh trong công ty cổ phần

Khi thành lập để đảm bảo sự phát triển bền vững và đúng định hướng mong muốn của các cổ đông, công ty Cổ phần cần bổ nhiệm những cá nhân phù hợp có năng lực và trách nhiệm vào các chức vụ trong công ty. Các chức vụ trong loại hình Công ty Cổ phần thường đa dạng và phức tạp hơn các loại hình khác. Vậy pháp luật doanh nghiệp hiện hành quy định như thế nào về các chức danh trong công ty cổ phần? Kính mời Quý khách hàng cùng Luật Việt Phú tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Chủ tịch hội đồng quản trị:

Căn cứ khoản 1 Điều 156 Luật doanh nghiệp 2020, quy định: “Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị.”

Như vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị bắt buộc phải là một trong các thành viên của Hội đồng quản trị, do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Việc nằm trong cơ quan có vai trò lớn của doanh nghiệp thì Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ có những quyền và nghĩa vụ như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 156 Luật doanh nghiệp 2020, Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị bao gồm:

– Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị.

– Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị;

– Tổ chức việc thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

– Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

– Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông;

– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.

Khoản 4 Điều 156 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về các trường hợp vắng mặt, không thể thực hiện nhiệm vụ vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan:

– Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì phải ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty.

– Trường hợp không có người được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng quản trị.

Như vậy, về mặt pháp lý có thể hiểu Chủ tịch Hội đồng quản trị là người có thẩm quyền cao nhất đối với các hoạt động của công ty. Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu từ các thành viên Hội đồng quản trị, bởi vậy Luật doanh nghiệp 2020 cũng có những quy định riêng về thành viên Hội đồng quản trị, cụ thể.

2. Thành viên Hội đồng quản trị:

Căn cứ khoản 1 Điều 154 Luật doanh nghiệp 2020, quy định:

– Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị. Thành viên Hội đồng quản trị được bầu thông qua hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Tiêu chuẩn và điều kiện để được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị được quy định khoản 1 điều 155 trong Luật doanh nghiệp 2020.

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty nên các thành viên Hội đồng quản trị có sẽ có quyền và nghĩa vụ:

– Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

– Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;

– Quyết định bán cổ phần chưa bán trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác;

– Quyết định giá bán cổ phần và trái phiếu của công ty;

– Quyết định mua lại cổ phần theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 133 của Luật doanh nghiệp 2020;

– Quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của pháp luật;

– Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;

– Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác và hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 138, khoản 1 và khoản 3 Điều 167 của Luật doanh nghiệp 2020;

– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;

– Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty;

– Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác;

– Duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết;

– Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông;

– Kiến nghị mức cổ tức được trả; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh;

– Kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể công ty; yêu cầu phá sản công ty;

– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.

Hội đồng quản trị là cơ quan có quyền nhân danh công ty, chịu trách nhiệm đối với các định hướng, quyết sách phát triển công ty bởi vậy việc trao nhiều quyền hạn và nghĩa vụ cho Hội đồng quản trị là hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, để các định hướng, quyết sách này được thực hiện chuẩn mực, Hội đồng quản trị sẽ lựa chọn những cá nhân có năng lực và trách nhiệm để đảm nhận vai trò Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty, những người sẽ chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của công ty một cách trơn chu.

3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc:

Ngoài chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị còn có các chức danh trong công ty cổ phần khác là Giám đốc hoặc Tổng giám đốc Căn cứ khoản 1, 2, 3, 4 Điều 162 Luật doanh nghiệp 2020, quy định:

Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao. Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc, Tổng giám đốc được quy định như sau:

– Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

– Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;

– Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

– Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;

– Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

– Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

– Tuyển dụng lao động;

– Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. Trường hợp điều hành trái với quy định tại khoản này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.

Với những trách nhiệm và khối lượng công việc lớn như vậy, việc trao nhiều quyền hành đối với hoạt động của công ty cho Giám đốc (Tổng giám đốc) sẽ tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng từ đó đem đến những lợi ích chung cho công ty và các cổ đông. Trong nhưng quyền đó, có những quyền liên quan đến tài chính của công ty, đôi khi Giám đốc (Tổng giám đốc) là những người sẽ không có chuyên môn sâu về lĩnh vực kế toán, tài chính bởi vậy công ty cổ phần cần có kế toán trưởng chuyên phụ trách về các vấn đề liên quan đến Kế toán và tài chính.

4. Kế toán trưởng:

Căn cứ khoản 1 Điều 53 Luật kế toán 2015, quy định:

– Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán. Kế toán trưởng chịu sự lãnh đạo của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; trường hợp có đơn vị kế toán cấp trên thì đồng thời chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của kế toán trưởng của đơn vị kế toán cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ.

Khoản 1, 2 Điều 55 Luật kế toán 2015 quy định về Trách nhiệm và quyền của Kế toán trưởng như sau:

– Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán;

– Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định;

– Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

– Kế toán trưởng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

Tiêu chuẩn đối với Kế toán trưởng được quy định cụ thể và chi tiết tại Đều 54 Luật kế toán 2015 và được hướng dẫn bởi Điều 21 Nghị định 174/2016/NĐ-CP.

Bởi vì liên quan đến các hoạt động về kế toán, tài chính, những hoạt động xương sống của một công ty nên Kế toán trưởng thường phải là người trung thực, tỉ mỉ và cẩn thận. Ngoài ra, pháp đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe theo quy định.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN
CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ

Phòng 216, Tòa nhà N3B, Đường Lê Văn Lương, P. Nhân Chí­nh, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội.

-------------- LIÊN HỆ DỊCH VỤ: 024 6261 2299 / 0936 129 229
Gửi yêu cầu dịch vụ qua Email : luatvietphu@gmail.com
Hệ thống thông tin website : http://dichvuluatsu.vn
http://luatvietphu.com.vn

Tin liên quan