Giải thể doanh nghiệp – thực trạng và kiến nghị

            Trong vòng đời doanh nghiệp, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định. Đây là một dạng rút lui tạm thời khỏi thị trường. Tuy nhiên, khi không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường thông qua hình thức giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp.

1.     Tổng quan khung khổ pháp lý về giải thể doanh nghiệp

Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp theo ý chí của doanh nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền với điều kiện doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Tại Điều 157 Luật Doanh nghiệp có quy định doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn sáu tháng liên tục;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đồng thời, Luật cũng quy định điều kiện để doanh nghiệp được giải thể là khi doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp.

Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp được quy định tại Điều 158 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc giải thể doanh nghiệp và thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư để được giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh.

Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải giải thể trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trình tự và thủ tục giải thể được thực hiện theo quy định nêu trên. Sau thời hạn sáu tháng mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh.

Hình: Quy trình giải thể doanh nghiệp

Nhìn chung, khung khổ pháp lý hiện hành về giải thể doanh nghiệp đã rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp thực hiện. Vì vậy, trên cơ sở kết quả rà soát thủ tục hành chính, ngày 27/12/2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; trong đó, phương án đơn giản hóa đối với thủ tục giải thể doanh nghiệp được Chính phủ phê duyệt chỉ tập trung vào hai nội dung là: quy định rõ số lượng bộ hồ sơ giải thể “01 bộ” và việc đăng báo quyết định giải thể của doanh nghiệp cần sửa đổi theo hướng “đăng tập trung tại một hoặc một số tờ báo nhất định, kể cả báo điện tử và cổng thông tin doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư”.

         2. Tình hình giải thể doanh nghiệp thời gian vừa qua

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Điều này tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động tăng cao. Năm 2011, tổng số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động là 53,9 ngàn doanh nghiệp, tăng 24,8% so với năm 2010; trong đó, số doanh nghiệp đã chính thức giải thể là 7,6 ngàn, tăng gần 15% so với năm 2010. Năm 2013, cả nước có 60,7 ngàn doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động (trong đó, số doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể là 9,8 ngàn doanh nghiệp, số doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động là 50,9 ngàn doanh nghiệp – tăng 11,9 % so với năm 2012).

Bảng: Số lượng doanh nghiệp thành lập, giải thể, ngừng hoạt động

 

Về mặt số liệu, thực trạng trên cho thấy, giải thể doanh nghiệp đang nổi lên vấn đề “tồn kho” một lượng rất lớn doanh nghiệp đã không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ giải thể doanh nghiệp chỉ dao động từ 14% đến 17% trong tổng số doanh nghiệp cần giải thể, phá sản. Đây là một tỷ lệ khá thấp. Do vậy, có một lượng lớn doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng không thực hiện quy trình giải thể, phá sản (khoảng 140 ngàn doanh nghiệp). Điều này dẫn tới việc Nhà nước thất thu thuế, người lao động bị xâm hại quyền lợi… và làm sai lệch các thông tin thống kê về doanh nghiệp, ảnh hưởng tới sự minh bạch của môi trường kinh doanh. Đặc biệt, việc doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng vẫn gây hậu quả kéo dài đang thể hiện rõ đối với những trường hợp chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, có thuê đất nhà nước, còn nợ thuế, nợ khách hàng, nợ lương người lao động…nhưng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn về nước nên không có người chịu trách nhiệm để thực hiện các thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp theo quy định.

3. Đánh giá và kiến nghị

Những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề giải thể doanh nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể đang được quy định tại Luật Doanh nghiệp không phải nguyên nhân cơ bản. Việc doanh nghiệp “ngại” giải thể không phải mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà đã diễn ra ngay từ khi nước ta triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 1999. Điều này xuất phát từ một số nguyên do sau:

Thứ nhất, nhận thức pháp luật của nhiều doanh nghiệp còn thấp, ý thức chấp hành các quy định về giải thể, phá sản theo quy định chưa cao.

Thứ hai, chế tài xử lý đối với các chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản chưa đủ răn đe, dẫn tới nhiều chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không quan tâm tới nghĩa vụ giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Thứ ba, hệ thống quy định về phá sản doanh nghiệp có nhiều bất cập. Vì vậy, doanh nghiệp muốn tuân thủ theo đúng quy định cũng rất khó. Trong số 140 ngàn doanh nghiệp không còn hoạt động, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp là lâm vào tình trạng phá sản (do không thể thanh toán hết các khoản nợ), vì vậy, không thể thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy trình đơn giản là giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được quy trình theo quy định của Luật Phá sản, mỗi doanh nghiệp phải mất 3 đến 5 năm mới hoàn tất thủ tục. Điều này dẫn tới, tỷ lệ doanh nghiệp đã và đang thực hiện thủ tục phá sản gần như không có ý nghĩa trong thực tế.

Thứ tư, trong nhiều trường hợp, việc hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thành nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan theo quy trình giải thể tại một số cơ quan quản lý nhà nước địa phương chưa được tốt; Đặc biệt, thủ tục hoàn tất nghĩa vụ thuế còn gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Nhiều trường hợp phản ánh, doanh nghiệp muốn “ra đi” còn phải qua “cò”.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay về việc giải thể của doanh nghiệp, có thể nghiên cứu triển khai một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa những thủ tục hành chính của doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước trước khi doanh nghiệp thực hiện nộp bộ hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong đó, tập trung đơn giản hóa quy trình về kê khai và quyết toán thuế cho doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp quyết định giải thể.

Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp cũng như pháp luật, chế tài xử phạt vi phạm về giải thể, phá sản doanh nghiệp nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.

Ba là, các Bộ, ngành triển khai hiệu quả, triệt để các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại tại Chương trình công tác ban hành kèm theo Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phê duyệt Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ:

– Sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và chức năng quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về giải thể doanh nghiệp; các quy định về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường.

– Rà soát và đề xuất các chế tài mạnh, có tính răn đe đối với những doanh nghiệp, cá nhân liên quan (như: người đại diện theo pháp luật, các thành viên của công ty) không tuân thủ nghĩa vụ giải thể doanh nghiệp.

– Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nền tảng công nghệ thông tin để Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia giữ vai trò đầu mối cung cấp thông tin pháp lý về đăng ký doanh nghiệp, từ đó, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận dễ dàng các thông tin chính xác về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp.
(Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN
CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ

Phòng 216, Tòa nhà N3B, Đường Lê Văn Lương, P. Nhân Chí­nh, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội.

-------------- LIÊN HỆ DỊCH VỤ: 024 6261 2299 / 0936 129 229
Gửi yêu cầu dịch vụ qua Email : luatvietphu@gmail.com
Hệ thống thông tin website : http://dichvuluatsu.vn
http://luatvietphu.com.vn

Tin liên quan