Tiết lộ bí mật kinh doanh sẽ bị xử lý như thế nào?

Bí mật kinh doanh là tài nguyên quan trọng của DN. Khi NLĐ tiết lộ bí mật kinh doanh trong thời gian làm việc sẽ bị xử phạt như thế nào?

1) Bí mật kinh doanh là gì?

Bí mật kinh doanh được định nghĩa tại khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Căn cứ theo Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ như sau:

  • Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
  • Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
  • Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Ngoài ra, bí mật kinh doanh còn được coi là hành vi bị cấm được quy định trong khoản 1 Điều 45 Luật cạnh tranh 2018:

– Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Trong nội dung của HĐLĐ cũng có nêu rõ “Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.” (căn cứ khoản 2 Điều 21 Bộ luật lao động 2019).

Như vậy, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh là hành vi bị cấm nhưng khi NLĐ không những phải chịu biện pháp kỷ luật của DN mà còn vị xử lý theo quy định của pháp luật

2) Xử phạt đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh:

Có 2 biện pháp xử lý kỷ luật đối với NLĐ trong trường hợp này:

Thứ nhất, căn cứ vào khoản 2 Điều 125 Bộ luật lao động 2019 quy định đối với việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải như sau:

“2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động”

Như vậy, NLĐ sẽ bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là sa thải khi tiết lộ bí mật kinh doanh. Bên cạnh đó, DN cũng phải áp dụng đầy đủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục, xử lý kỷ luật được quy định tại Điều 122 Bộ luật lao động 2019, bao gồm:

– Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

– Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;

– Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;

– Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.

Thứ hai, ngoài việc phải chịu xử lý kỷ luật và bồi thường thiệt hại cho DN, NLĐ còn bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh như sau:

– Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Đồng thời, tại Khoản 7 Điều 4 của Nghị định này có nêu rõ “Mức phạt tiền tối đa quy định tại Chương II Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.”

Các trường hợp vi phạm đối khác với việc tiết lộ bí mật kinh doanh:

– Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động: (Căn cứ tại điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH)

Tại khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019 quy định “Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm” . Do đó, thời hạn bảo vệ bí mật kinh kinh doanh, bí mật công nghệ là do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận nên sau khi chấm dứt HĐLĐ, điều khoản về bảo vệ bí mật kinh doanh vẫn còn giá trị pháp lý cho đến hết ngày được quy định. Nếu bạn vi phạm thỏa thuận này DN có thể yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại và áp dụng biện pháp dân sự, hành chính hay hình sự theo quy định tại Điều 4 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.

– Trường hợp NLĐ trao đổi bí mật kinh doanh cho DN khác:

NLĐ sẽ bị xử lý kỷ luật theo theo quy định của BLLĐ 2019 nêu trên. Ngoài ra, đối với DN có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, ­­có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. (căn cứ Điều 199 Luật sở hữu trí tuệ 2005).

Và các biện pháp dân sự đối với hành vi xâm phạm đươc quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, bao gồm:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc bồi thường thiệt hại;
  • Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Điều 4 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định về việc áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN
CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ

Phòng 216, Tòa nhà N3B, Đường Lê Văn Lương, P. Nhân Chí­nh, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội.

-------------- LIÊN HỆ DỊCH VỤ: 024 6261 2299 / 0936 129 229
Gửi yêu cầu dịch vụ qua Email : luatvietphu@gmail.com
Hệ thống thông tin website : http://dichvuluatsu.vn
http://luatvietphu.com.vn

Tin liên quan