Công ty phải tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên bao nhiêu lần một năm? Công ty không tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên bị phạt bao nhiêu tiền? Công ty có nghĩa vụ gì đối với vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên?
Chào ban biên tập, công ty tôi có số lượng nhân viên khoảng 200 người, trước khi nhận vào làm việc, công ty đều yêu cầu các nhân viên khám sức khỏe để nộp cho công ty. Ban biên tập cho tôi hỏi, theo quy định của pháp luật thì công ty phải tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên bao nhiêu lần một năm? Nếu không tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên thì có bị phạt tiền không?
Nhờ ban biên tập tư vấn giúp tôi, tôi cảm ơn.
Công ty phải tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên bao nhiêu lần một năm?
Tại Điều 21 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.
Theo như quy định nêu trên thì trường hợp nhân viên công ty của bạn làm việc trong môi trường bình thường thì phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần trong năm cho nhân viên.
Trường hợp nhân viên công ty làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhân viên là người khuyết tật, chưa thành niên thì công ty phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần, tức là 02 lần/năm.
Công ty không tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, nếu công ty không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên theo đúng quy định của pháp luật thì công ty có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng theo quy định của pháp luật.
Công ty có nghĩa vụ gì đối với vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên?
Tại khoản 2 Điều 7 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về nghĩa vụ của công ty đối với vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên như sau:
2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
c) Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động;
d) Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;
đ) Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;
e) Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động;
g) Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Trên đây là nghĩa vụ của công ty đối với vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phòng 216, Tòa nhà N3B, Đường Lê Văn Lương, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội.
-------------- | LIÊN HỆ DỊCH VỤ: | 024 6261 2299 / 0936 129 229 | |
Gửi yêu cầu dịch vụ qua Email : | luatvietphu@gmail.com | ||
Hệ thống thông tin website : | http://dichvuluatsu.vn http://luatvietphu.com.vn |
Tin liên quan
- Dịch vụ soạn thảo Điều lệ công ty bao gồm những gì?
- Dịch vụ soạn thảo Điều lệ công ty: Tất cả những gì bạn cần biết
- Dịch vụ thành lập doanh nghiệp của Luật Việt Phú: Giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp của bạn
- Tư vấn và báo giá thành lập công ty
- Công ty Luật Việt Phú: Tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp
- Chi phí dịch vụ thành lập công ty tại Hà Nội
- Dịch vụ thành lập công ty tại hà nội
- Lợi ích của việc thuê luật sư làm thủ tục thành lập công ty
- Thuê luật sư làm thủ tục thành lập công ty
- Dịch vụ luật sư doanh nghiệp giỏi