Tháng 9 năm 2021, Chính Phủ ban hành Nghị Định 85/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định 52/2013 về thương mại điện tử (Nghị Định Thương Mại Điện Tử). Nghị Định 85/2021 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 với những thay đổi đáng kể về điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử. Dưới đây chúng tôi thảo luận về một số quy định mới đáng chú ý theo Nghị Định 85/2021.
Thay đổi phạm vi điều chỉnh
Một số lĩnh vực kinh doanh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị Định Thương Mại Điện Tử nếu pháp luật chuyên ngành của các lĩnh vực đó có quy định về hoạt động thương mại điện tử. Các lĩnh vực này (Các Lĩnh Vực Bị Loại Trừ) bao gồm dịch vụ tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm và xổ số; mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; dịch vụ đặt cược hoặc trò chơi có thưởng; dịch vụ phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phát thanh, truyền hình. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử cần thận trọng khi xác định xem pháp luật chuyên ngành có liên quan của lĩnh vực kinh doanh của mình có quy định về thương mại điện tử hay không.
Định nghĩa rõ ràng hơn về các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Nghị Định 85/2021 bổ sung định nghĩa mới về dịch vụ thương mại điện tử và làm rõ các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không bao gồm thương nhân, tổ chức chỉ cung cấp dịch vụ thiết kế website và không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, điều hành hoặc điều phối các hoạt động trên website đó.
Phạm vi chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử rộng hơn
Theo Nghị Định 85/2021, thương nhân hoặc tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử. Trước đây, Nghị Định 52/2013 chỉ bao gồm các nhà cung cấp hạ tầng với tư cách là bên tham gia hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, không rõ các dịch vụ hỗ trợ khác là gì.
Phạm vi chủ thể nước ngoài chịu sự điều chỉnh của Nghị Định Thương Mại Điện Tử rộng hơn
Theo Nghị Định 52/2013, chủ thể nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử bao gồm các chủ thể nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam thông qua hình thức đầu tư, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc có website bằng tên miền Việt Nam. Nghị Định 85/2021 đã mở rộng phạm vi áp dụng đối với các chủ thể nước ngoài. Các chủ thể nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị Định 85/2021 bao gồm:
· chủ thể nước ngoài có website thương mại điện tử (1) dưới tên miền Việt Nam (tương tự như quy định tại Nghị Định 52/2013); hoặc (2) có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc (3) có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm. Đối với yếu tố thứ ba, số lượt giao dịch được xác định theo báo cáo của các chủ thể nước ngoài có liên quan; hoặc số liệu chính thức của cơ quan quản lý nhà nước về hải quan, thuế, quản lý về internet, ngân hàng; hoặc các báo cáo và thông tin công khai, sẵn có đã được xác thực bởi cơ quan quản lý nhà nước; hoặc
· chủ thể nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam.
Kiểm soát hoạt động của chủ thể nước ngoài tại Việt Nam
· Đối với chủ thể nước ngoài có website thương mại điện tử, chủ thể nước ngoài phải đăng ký hoạt động thương mại điện tử và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam. Quy định này khác với quy định cũ theo Nghị Định 52/2013 mà không yêu cầu chủ thể nước ngoài phải có văn phòng hoặc đại diện của mình tại Việt Nam và sẽ hạn chế các dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới do nhà cung cấp nước ngoài cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam. Các chủ thể nước ngoài có website thương mại điện tử tại Việt Nam phải hoàn thành các yêu cầu trên trước khi hết năm 2022.
· Đối với người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam, người bán nước ngoài có thể phải chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam. Chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải xác minh danh tính của người bán nước ngoài giao dịch trên sàn giao dịch của mình.
Điều kiện tiếp cận thị trường áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử (như sàn giao dịch thương mại điện tử, website đấu giá trực tuyến, website khuyến mại trực tuyến, v.v.)
Nghị Định 85/2021 khẳng định lại dịch vụ thương mại điện tử là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài phải tuân theo hai điều kiện tiếp cận thị trường bao gồm:
· các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào các dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam thông qua việc thành lập một công ty mới tại Việt Nam hoặc đầu tư vào một công ty hiện có tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, các hình thức đầu tư khác như hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực hiện dự án không có hiện diện thương mại tại Việt Nam là không được chấp nhận; và
· thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công An nếu nhà đầu tư nước ngoài chi phối một hoặc nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu về dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo công bố của Bộ Công Thương. Điều kiện này sẽ được miễn trong trường hợp doanh nghiệp bị mua lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo.
Về điều kiện thứ hai, một nhà đầu tư nước ngoài được coi là chi phối một doanh nghiệp nếu nhà đầu tư:
· sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp đó; và
· trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên và chủ tịch hội đồng quản trị, (tổng) giám đốc của doanh nghiệp đó; hoặc có thể quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó như lựa chọn nền tảng công nghệ; hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức và phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.
· Khái niệm chi phối theo Nghị Định 85/2021 tương tự như khái niệm kiểm soát theo luật cạnh tranh và không rõ liệu chi phối gián tiếp có tạo thành chi phối trong trường hợp thứ ba hay không (vui lòng xem thêm bài thảo luận tại Đây).
· Thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công An là một bước trong quy trình xin giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp liên quan trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua lại đa số cổ phần của một doanh nghiệp thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Do đó, trong trường hợp này, các bên sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện các yêu cầu pháp lý đối với giao dịch mua bán.
Thay đổi trong việc thông báo website thương mại điện tử bán hàng
Website thương mại điện tử bán hàng chỉ phải thông báo cho Bộ Công Thương nếu website đó có chức năng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2022, doanh nghiệp không còn phải thông báo về website thương mại điện tử bán hàng của mình khi website ấy chỉ giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ (không có chức năng đặt hàng và thanh toán).
Bổ sung trách nhiệm của người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng
Ngoài các trách nhiệm được quy định theo Nghị Định 52/2013, người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng cần thực hiện những việc sau,
· công bố trên trang chủ website đường dẫn đến các thông tin về các điều khoản và điều kiện chung, giao hàng và vận chuyển, phương thức thanh toán;
· công bố trên website của mình thông tin về hàng hóa như được thể hiện trên nhãn của hàng hóa đó;
· công bố thông tin về giấy phép hoặc giấy chứng nhận chứng minh việc đáp ứng các điều kiện áp dụng đối với ngành, nghề kinh doanh của mình; và
· liên quan đến các điều khoản về vận chuyển và giao nhận, phân định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ logistics về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận.
Hình thức mới của sàn giao dịch thương mại điện tử
Theo quy định mới, mạng xã hội được coi là sàn giao dịch thương mại điện tử nếu mạng xã hội đó đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
· mạng xã hội đó có một trong các hoạt động sau: (1) cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; (2) cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; hoặc (3) có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; và
· người tham gia mạng xã hội đó trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động trên.
Bổ sung thêm trách nhiệm của nhà cung cấp [dịch vụ] sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến
Ngoài các trách nhiệm chung, nhà cung cấp [dịch vụ] sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có các nghĩa vụ sau:
· chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng vi phạm pháp luật. Đầu mối liên hệ này phải cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu;
· đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ do người bán nước ngoài cung cấp và thông báo nghĩa vụ thuế mà người bán nước ngoài đó phải thực hiện;
· là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng nếu giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn hai bên tham gia;
· lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán; và
· liên đới bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thủ tục hoàn toàn mới cho việc đăng ký dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử
Trước đây, các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cần phải xin cấp giấy phép từ Bộ Công Thương. Chính Phủ hiện nay thay đổi việc cấp phép sang việc đăng ký dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Kết quả của việc đăng ký thành công bao gồm (1) một xác nhận về việc đăng ký dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử do Bộ Công Thương cấp và (2) tên nhà cung cấp được cập nhật vào danh sách các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử đã đăng ký được công bố trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Bài viết do Lê Minh Thùy và Lê Võ Thủy Tiên thực hiện và Nguyễn Quang Vũ biên tập.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phòng 216, Tòa nhà N3B, Đường Lê Văn Lương, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội.
-------------- | LIÊN HỆ DỊCH VỤ: | 024 6261 2299 / 0936 129 229 | |
Gửi yêu cầu dịch vụ qua Email : | luatvietphu@gmail.com | ||
Hệ thống thông tin website : | http://dichvuluatsu.vn http://luatvietphu.com.vn |
Tin liên quan
- Dịch vụ soạn thảo Điều lệ công ty bao gồm những gì?
- Dịch vụ soạn thảo Điều lệ công ty: Tất cả những gì bạn cần biết
- Dịch vụ thành lập doanh nghiệp của Luật Việt Phú: Giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp của bạn
- Tư vấn và báo giá thành lập công ty
- Công ty Luật Việt Phú: Tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp
- Chi phí dịch vụ thành lập công ty tại Hà Nội
- Dịch vụ thành lập công ty tại hà nội
- Lợi ích của việc thuê luật sư làm thủ tục thành lập công ty
- Thuê luật sư làm thủ tục thành lập công ty
- Dịch vụ luật sư doanh nghiệp giỏi