Một số tư vấn về thủ tục thành lập doanh nghiệp (Phần 3)

Sau đây là tập hợp một số tư vấn về thủ tục thành lập doanh nghiệp của Công ty luật Việt Phú

Hỏi: Chúng tôi dự định thành lập hợp tác xã kinh doanh các sản phẩm về thủy sản. Xin cho biết nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hợp tác xã?

Trả lời:

Để có thể hiểu rõ hơn về nguyên tắc tổ chức cũng như hoạt động của hợp tác xã, chúng ta cần phải nắm rõ khái niệm về hợp tác xã.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã thì hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Các nguyên tắc, tổ chức hoạt động của hợp tác xã được quy định tại Điều 7 Luật Hợp tác xã, cụ thể như sau:

– Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã.

–  Hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên.

–  Thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.

–  Hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.

–  Thành viên và hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.

–  Hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã.

–  Hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.

Hỏi: Vui lòng cho biết Nhà nước ta hiện nay có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi như thế nào đối với hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã?

Trả lời:

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Hợp tác xã. Theo đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ sau đây đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

a) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;

b) Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;

c) Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới;

d) Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;

đ) Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội;

e) Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Về các chính sách ưu đãi của Nhà nước, Khoản 2 Điều 6 Luật Hợp tác xã quy định: “Nhà nước có chính sách ưu đãi sau đây đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

a) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi nêu trên còn được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi sau đây:

a) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng;

b) Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Ưu đãi về tín dụng;

d) Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh;

đ) Chế biến sản phẩm.

Hỏi: Một nhóm bạn tôi đã thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi cũng muốn tham gia vào hợp tác xã. Xin hỏi, pháp luật quy định thế nào về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã ?

Trả lời:

Để trở thành thành viên hợp tác xã, hộ gia đình cũng như cá nhân hoặc pháp nhân phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 13 Luật Hợp tác xã. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.

Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;

b) Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;

c) Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;

d) Góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã;

đ) Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã; trừ trường hợp điều lệ hợp tác xã có quy định khác.

Hỏi: Vui lòng cho biết các nghĩa vụ của hợp tác xã?

Trả lời:

Theo Điều 9 Luật hợp tác xã năm 2012, hợp tác xã có các nghĩa vụ sau:

– Thực hiện các quy định của điều lệ.

– Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên.

– Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký.

– Thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên.

– Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê.

– Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

– Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên khác được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.

– Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.

– Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho thành viên.

– Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã theo quy định của Chính phủ.

– Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho thành viên theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Một nhóm bạn tôi đã thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi cũng muốn tham gia vào hợp tác xã. Xin hỏi, khi trở thành thành viên hợp tác xã thì tôi sẽ có những quyền gì ?

Trả lời:

Khi trở thành thành viên hợp tác xã, bạn sẽ có các quyền được quy định tại Điều 14 Luật Hợp tác xã. Theo đó, thành viên hợp tác xã có các quyền sau:

– Được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ.

– Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã.

– Được hưởng các phúc lợi của hợp tác xã.

– Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự đại hội thành viên.

– Được biểu quyết các nội dung thuộc quyền của đại hội thành viên theo quy định.

– Ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh khác được bầu của hợp tác xã.

– Kiến nghị, yêu cầu hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã; yêu cầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập đại hội thành viên bất thường theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ.

– Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã.

– Ra khỏi hợp tác xã theo quy định của điều lệ.

– Được trả lại vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ.

– Được chia giá trị tài sản được chia còn lại của hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ.

– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

– Quyền khác theo quy định của điều lệ.

Hỏi: Tôi và một số người bạn đang cân nhắc giữa việc thành lập doanh nghiệp và thành lập hợp tác xã. Xin cho biết sự khác nhau cơ bản giữa hai loại hình tổ chức kinh tế này?

Trả lời:

Mặc dù đều là các loại hình tổ chức kinh tế nhưng giữa doanh nghiêp và hợp tác xã có một số sự khác nhau cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về bản chất của hai loại hình. Đối với loại hình doanh nghiệp thì đối tượng hướng đến là các hoạt động kinh doanh trên thị trường và nhằm mục đích sinh lợi. Trong khi đó, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể và đối tượng hướng đến là các thành viên hợp tác xã nhằm đáp ứng nhu cầu chung về hàng hóa, dịch vụ của thành viên

Thứ hai, về cơ chế quản lý. Đối với loại hình doanh nghiệp, quyền quyết định việc quản lý công ty thường thuộc về cổ đông, thành viên chiếm số vốn lớn hơn, hay nói cách khác, quyền lực thuộc về người góp nhiều vốn. Ngược lại, đối với loại hình hợp tác xã, thành viên hợp tác xã có quyền bình đẳng và biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã.

Thứ ba, về phân phối lợi nhuận. Đối với loại hình doanh nghiệp, việc phân phối lợi nhuận thường  căn cứ trên tỷ lệ sở hữu vốn  của các cổ đông, thành viên công ty. Trong khi đó, đối với loại hình hợp tác xã,việc phân phối lợi nhuận chủ yếu dựa vào mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viênhoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.

Hỏi: Có ý kiến cho rằng số nợ của hợp tác xã sẽ được chia đều cho các thành viên. Xin hỏi, ý kiến như vậy có chính xác hay không? Nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã được quy định tại Điều 15 Luật Hợp tác xã. Theo đó, thành viên hợp tác xã có các nghĩa vụ như sau:

1. Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ.

2. Góp đủ, đúng thời hạn vốn góp đã cam kết theo quy định của điều lệ.

3. Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã.

4. Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

5. Tuân thủ điều lệ, quy chế của hợp tác xã, nghị quyết đại hội thành viên và quyết định của hội đồng quản trị hợp tác xã.

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của điều lệ.

Như vậy, ý kiến cho rằng số nợ của hợp tác xã sẽ được chia đều cho các thành viên là không chính xác , vì theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Luật hợp tác xã năm 2012, các thành viên hợp tác xã chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã.

Hỏi: Xin cho biết tư cách thành viên hợp tác xã bị chấm dứt trong những trường hợp nào? Thẩm quyền chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã được quy định như thế nào?

Trả lời:

Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã được quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Hợp tác xã. Theo đó, tư cách thành viên hợp tác xã bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Thành viên là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật;

b) Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản;

c) Hợp tác xã bị giải thể, phá sản;

d) Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;

đ) Thành viên bị khai trừ theo quy định của điều lệ;

e) Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm;

g) Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ;

h) Trường hợp khác do điều lệ quy định.

Về thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã, Khoản 2 Điều 16 Luật Hợp tác xã quy định như sau:

– Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và e nêu trên thì hội đồng quản trị quyết định và báo cáo đại hội thành viên gần nhất;

– Đối với trường hợp quy định tại các điểm đ, g và h thì hội đồng quản trị trình đại hội thành viên quyết định sau khi có ý kiến của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.

Việc giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ đối với thành viên trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã.

Hỏi: Tôi đang có nguyện vọng muốn trở thành thành viên hợp tác xã. Vui lòng cho biết, để gia nhập hợp tác xã, tôi phải góp vốn là bao nhiêu? Thời gian góp vốn được quy định như thế nào? Tôi có được cấp giấy tờ gì để xác nhận việc đã góp vốn hay không?

Trả lời:

Vấn đề mà bạn quan tâm được quy định tại Điều 17 Luật Hợp tác xã. Theo đó, đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã

Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.

Khi góp đủ vốn, thành viên hợp tác xã được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp. Giấy chứng nhận vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã;

– Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;

– Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình;

Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;

– Tổng số vốn góp, thời điểm góp vốn;

– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.

Hỏi: Xin vui lòng cho biết những ai có thể là sáng lập viên hợp tác xã? Để thành lập hợp tác xã, sáng lập viên hợp tác xã có phải làm gì?

Trả lời:

Điều 19 Luật hợp tác xã năm 2012 quy định sáng lập viên hợp tác xã là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện cam kết sáng lập, tham gia thành lập hợp tác xã.

Để thành lập hợp tác xã, sáng lập viên hợp tác xã thực hiện các công việc sau:

– Vận động, tuyên truyền thành lập hợp tác xã;

– Xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự thảo điều lệ hợp tác xã;

– Thực hiện các công việc để tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã.

 

 

 

 

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN
CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ

Phòng 216, Tòa nhà N3B, Đường Lê Văn Lương, P. Nhân Chí­nh, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội.

-------------- LIÊN HỆ DỊCH VỤ: 024 6261 2299 / 0936 129 229
Gửi yêu cầu dịch vụ qua Email : luatvietphu@gmail.com
Hệ thống thông tin website : http://dichvuluatsu.vn
http://luatvietphu.com.vn

Tin liên quan