Đăng ký bảo hộ sáng chế và bảo hộ giải pháp hữu ích

Sáng chế là gì và điều kiện bảo hộ sáng chế

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế được bảo hộ trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký sáng chế. Để được cấp Bằng độc quyền sáng chế, sáng chế phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, có tính mới: Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai (chỉ có một số lượng người nhất định biết về sáng chế và những người này có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế) dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên (đối với trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên). Tính mới của sáng chế còn thể hiện ở việc sáng chế được mô tả trong đơn đăng ký không trùng với giải pháp kỹ thuật được mô tả trong đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế đã được nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong những trường hợp sau, tuy sáng chế được công bố nhưng vẫn không bị coi là mất tính mới:

– Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được sự đồng ý của người có quyền đăng ký sáng chế;

– Sáng chế được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học hoặc trưng bày tại triển lãm quốc gia, triển lãm quốc tế chính thức.

Thứ hai, có trình độ sáng tạo: Nghĩa là việc tạo ra sáng chế là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng. Như vậy, sáng chế phải được tạo ra từ quá trình đầu tư nhất định, là thành quả của ý tưởng sáng tạo nổi trội hơn so với các giải pháp thông thường dựa trên những hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực kỹ thuật. Nếu bất kỳ người nào có kỹ năng thực hành kỹ thuật thông thường và biết rõ các kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn đăng ký thì sáng chế đó không được coi là có tính sáng tạo. Trong các trường hợp sau, giải pháp kỹ thuật là nội dung của sáng chế được coi là không có tính sáng tạo:

– Giải pháp kỹ thuật là tập hợp các dấu hiệu cơ bản mang tính hiển nhiên (bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng cũng biết rằng để thực hiện chức năng đã định hoặc để đạt được mục đích đã định tất yếu phải sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó và ngược lại khi sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó thì tất yếu phải đạt được mục đích hoặc thực hiện được chức năng tương ứng);

– Giải pháp kỹ thuật là tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt đã được bộc lộ dưới dạng đồng nhất hoặc tương đương trong một hay một số giải pháp kỹ thuật nào đó đã biết trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc;

– Giải pháp kỹ thuật là sự kết hợp đơn giản của các giải pháp kỹ thuật đã biết với chức năng, mục đích và hiệu quả cũng là sự kết hợp đơn giản chức năng, mục đích và hiệu quả của từng giải pháp kỹ thuật đã biết.

Thứ ba, có khả năng áp dụng công nghiệp: Nghĩa là có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định. Giải pháp kỹ thuật là nội dung của sáng chế được coi là có thể thực hiện được nếu các thông tin về bản chất của giải pháp cùng các chỉ dẫn về điều kiện kỹ thuật cần thiết được tình bày một cách rõ ràng, đầy đủ đến mức cho phép người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể tạo ra, sản xuất và có thể lặp lại quy trình mà vẫn thu được kết quả giống kết quả nên trong bản mô tả sáng chế. Giải pháp kỹ thuật bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Bản chất của đối tượng hoặc các chỉ dẫn nhằm thực hiện đối tượng đi ngược lại các nguyên lý cơ bản của khoa học (ví dụ không tuân theo nguyên lý bảo toàn năng lượng…);

– Đối tượng bao gồm các yếu tố, thành phần không có mối liên hệ kỹ thuật với nhau hoặc không thể liên hệ (ghép nối, ràng buộc, phụ thuộc …) được với nhau;

– Đối tượng có chứa mâu thuẫn nội tại;

– Chỉ có thể thực hiện được các chỉ dẫn về đối tượng trong một số giới hạn lần thực hiện (không thể lặp đi lặp lại được);

– Để có thể thực hiện được giải pháp, người thực hiện phải có kỹ năng đặc biệt và kỹ năng đó không thể truyền thụ hoặc chỉ cho người khác được;

– Kết quả thu được từ các lần thực hiện không đồng nhất với nhau;

– Kết quả thu được khác với kết quả nêu trong đơn;

– Không có hoặc thiếu các chỉ dẫn quan trọng nhất để thực hiện giải pháp;

I.Đăng ký bảo hộ Sáng chế

Doanh nghiệp có quyền đăng ký sáng chế khi thực hiện đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc hoặc thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật.

Trường hợp doanh nghiệp cùng với tổ chức, cá nhân khác tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký sáng chế và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

1.Điều kiện đăng ký sáng chế:

Để có thể tiến hành đăng ký bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam thì doanh nghiệp cần chú ý đối tượng đăng ký phải đáp ứng đủ ba tiêu chuẩn sau:

Thứ nhất, có tính mới: tức là sáng chế chưa được bộc lộ công khai dưới dưới hình thức công bố, sử dụng hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên.

Thứ hai, có trình độ sáng tạocác giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai không thể tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

Thứ ba, có khả năng áp dụng công nghiệpnội dung sáng chế có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình và thu được kết quả ổn định.

Ngoài ra, doanh nghiệp muốn được bảo hộ sáng chế dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì đối tượng đăng ký phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có tính mới.
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp.

 2.Thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký bảo hộ

2.1. Đối với trường hợp sáng chế không thuộc sở hữu chung

Doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu sau đây:

1. Tờ khai yêu cầu đăng ký sáng chế

2. Bản mô tả (bao gồm cả hình vẽ, nếu có);

3. Bản tóm tắt;

4. Yêu cầu bảo hộ;

5. Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế cho cá nhân hoặc Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế cho tổ chức (nếu đơn nộp thông qua đại diện);

6. Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

7. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

8. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ.

2.2. Đối với trường hợp sáng chế thuộc sở hữu chung

Trường hợp này thì văn bằng bảo hộ sẽ chỉ được cấp cho người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn chung. Các chủ sở hữu chung khác có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp phó bản văn bằng bảo hộ sáng chế với điều kiện phải nộp lệ phí cấp phó bản. (Phó bản văn bằng bảo hộ này có giá trị tương đương với văn bằng bảo hộ)

Để yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các tài liệu sau đây:

1. Tờ khai cấp phó bản văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp

2. Giấy ủy quyền nộp hồ sơ yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ sáng chế cho cá nhân hoặc Giấy ủy quyền nộp hồ sơ yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ sáng chế cho tổ chức (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

3. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Lưu ý: Nếu yêu cầu cấp phó bản đã được thể hiện trong tờ khai đăng ký bảo hộ sáng chế thì doanh nghiệp không phải nộp bộ hồ sơ như nêu trên.

3.Nơi nộp hồ sơ:

Khách hàng có thể nộp đơn đăng ký sáng chế bằng cách trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

4.Thời hạn giải quyết:

  • Thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nhận đơn;
  • Công bố đơn: trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tuỳ theo ngày nào muộn hơn;
  • Thẩm định nội dung: Không quá 18 tháng kể từ ngày công bố Đơn yêu cầu thẩm định nội dung đăng ký sáng chế  hoặc ngày công bố (nếu yêu cầu đó được nộp trước ngày công bố đơn);

Lưu ý: Trường hợp đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác sáng chế (Hiệp ước PCT) có nguồn gốc Việt Nam thì đơn được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ phải được làm bằng tiếng Anh. Mỗi đơn được làm thành 03 bản. Trong trường hợp không đủ số bản quy định, Cục Sở hữu trí tuệ sao thêm cho đủ số bản cần thiết và doanh nghiệp phải nộp phí sao đơn quốc tế.

II. Bảo hộ giải pháp hữu ích

Giống như sáng chế, giải pháp hữu ích cũng là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Căn cứ để xác định thế nào là giải pháp kỹ thuật được quy định cụ thể tại Điểm b và Điểm c, Khoản 25.3, Điều 25 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

Tuy nhiên, giải pháp hữu ích không nhất thiết phải là một giải pháp hoàn toàn mới mà có thể là giải pháp cải tiến hoặc làm tăng thêm chức năng của các giải pháp sẵn có hoặc của các sáng chế đã tồn tại từ trước, tăng tính hữu ích của các giải pháp, sáng chế đó.

Việc không đòi hỏi quá cao về tính sáng tạo đối với giải pháp hữu ích thể hiện trong điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật. Cụ thể, để được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì phải đáp ứng 03 điều kiện sau:

– Có tính mới: chưa được bộc lộ công khai dưới dưới hình thức công bố, sử dụng hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, được đánh giá theo hướng dẫn tại Khoản 25.5, Điều 25 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

– Có khả năng áp dụng công nghiệp: có khả năng thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình và thu được kết quả ổn định, được đánh giá theo hướng dẫn tại Khoản 25.4, Điều 25 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

– Không thuộc 07 đối tượng sau:

1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

3. Cách thức thể hiện thông tin;

4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

5. Giống thực vật, giống động vật;

6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Điều kiện bảo hộ giải pháp hữu ích có phần “đơn giản” hơn so với sáng chế, đặc biệt việc không đòi hỏi “tính sáng tạo” có thể nói là cứu cánh cho nhiều ý tưởng bởi đảm bảo tính sáng tạo tuyệt đối không phải là điều dễ dàng.

Tuy nhiên, để được bảo hộ, giải pháp hữu ích cũng phải trải qua quy trình đăng ký và thẩm định nghiêm ngặt tương tự như sáng chế.

Thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích tương tự như với Sáng chế

Tuy không có khác biệt về thành phần hồ sơ so với sáng chế nhưng nội dung cần chứng minh, mô tả thì đơn giản hơn nhiều. Ngoài ra, thời hạn để nộp đơn yêu cầu thẩm định nội dung của giải pháp hữu ích cũng ngắn hơn, chỉ 36 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ (có thể được gia hạn không quá 06 tháng nếu có lý do xác đáng).

Doanh nghiệp cần lưu ý là để được cấp bằng bảo hộ và duy trì hiệu lực của văn bằng thì phải nộp đủ lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, lệ phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, lệ phí đăng bạ và phí duy trì hiệu lực năm thứ nhất của Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

ĐẶC BIỆT, pháp luật còn có quy định đặc biệt để “cứu cánh” những trường hợp đăng ký xin cấp Bằng độc quyền bảo hộ sáng chế nhưng không đủ điều kiện, đó là cho phép người nộp đơn đăng ký sáng chế có thể chuyển đổi yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thành yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, với điều kiện nộp đầy đủ lệ phí.

Nếu nộp đơn yêu cầu chuyển đổi sau thời hạn trên thì sẽ không được xem xét, song người nộp đơn có thể nộp đơn mới mà vẫn được lấy ngày nộp đơn (ngày ưu tiên, nếu có) của đơn ban đầu.

Lưu ý: Bằng độc quyền giải pháp hữu ích chỉ có giá trị trong vòng 10 năm và không được gia hạn.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN
CÔNG TY LUẬT VIỆT PHÚ

Phòng 216, Tòa nhà N3B, Đường Lê Văn Lương, P. Nhân Chí­nh, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội.

-------------- LIÊN HỆ DỊCH VỤ: 024 6261 2299 / 0936 129 229
Gửi yêu cầu dịch vụ qua Email : luatvietphu@gmail.com
Hệ thống thông tin website : http://dichvuluatsu.vn
http://luatvietphu.com.vn

Tin liên quan